5 cách để dự tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố phương thức tuyển sinh 2021 với hình thức xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tham gia Kỳ thi đánh giá tư duy.
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố dự kiến phương thức tuyển sinh năm 2021 với tổng chỉ tiêu khoảng 7.000 sinh viên. Theo đó, thí sinh có 5 cách khác nhau để có thể dự tuyển vào đại học này với các hình thức xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tham gia Kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức riêng.
Với phương thức xét tuyển tài năng, trường dự kiến dành 10 đến 20% tổng chỉ tiêu, trong đó số lượng tuyển thẳng mỗi ngành không quá 30% chỉ tiêu của ngành đó. Có ba cách xét tuyển tài năng như sau:
Thứ nhất là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dành cho thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế; thí sinh đạt giải quốc gia (nhất, nhì, ba) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ, Khoa học kỹ thuật.
Thứ hai là xét tuyển thẳng căn cứ kết quả thi chứng chỉ khảo thí ACT, SAT, A-Level và IELTS đối với thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên. Trường sẽ xét tuyển thẳng vào tất cả các ngành, chương trình đào tạo đối với thí sinh có chứng chỉ ACT, SAT, A-level đạt ngưỡng quy định của trường (đối với chứng chỉ A-level, các môn học phải phù hợp với ngành dự tuyển. Trường xét tuyển thẳng vào các ngành/chương trình Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương).
Thứ ba là xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên và đáp ứng một trong các điều kiện: Thí sinh thuộc hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Tiếng Anh) của các trường trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc; thí sinh được chọn tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Tiếng Anh bậc trung học phổ thông; Thí sinh được chọn tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; Thí sinh tham dự Vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 trở lên (đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý); thí sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Tốt nghiệp trung học phổ thông, Đại học Bách khoa dự kiến dành 50 - 60% tổng chỉ tiêu. Điều kiện tham gia phương thức xét tuyển này là thí sinh có điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc trung học phổ thông trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 7 điểm trở lên.
Ở phương thức này, điểm xét từng ngành/chương trình đào tạo được xác định theo tổng điểm thi ba môn thi của một trong các tổ hợp: A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 (có tính hệ số môn chính ở một số ngành và điểm cộng ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trong đó, các tổ hợp A02 (Toán-Lý-Sinh), D26 (Toán-Lý-Đức), D28 (Toán-Lý-Nhật) và D29 (Toán-Lý-Pháp) được sử dụng để xét tuyển vào một số ngành đặc thù của trường.
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (Academic) từ 5.0 trở lên (hoặc tương đương) có thể được quy đổi điểm tiếng Anh thay cho môn thi tiếng Anh để xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo theo tổ hợp A01, D07, D01.
Với phương thức xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy, trường dự kiến dành 30 - 40% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. Kỳ thi sẽ được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 tại ba địa điểm của Miền Bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000 – 10.000 thí sinh.
Thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm hai phần. Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút. Phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút. Ở phần thi này, thí sinh sẽ chọn một trong ba phần: Tự chọn 1: Lý-Hóa, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành trừ ngành Ngôn ngữ Anh; tự chọn 2: Hóa-Sinh, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành thuộc khối Hóa-Thực phẩm-Sinh học-Môi trường; Tự chọn 3: Tiếng Anh, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quản lý.
Nội dung Bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo. Phần Toán sẽ bao gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận. Phần Đọc hiểu có nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
Để tham gia kỳ thi này, thí sinh sẽ phải qua vòng sơ tuyển. Cụ thể, điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc trung học phổ thông trong tổ hợp môn sơ tuyển đạt từ 7.0 trở lên. Trường sẽ xét theo điểm trung bình 6 học kỳ trung học phổ thông của điểm ba môn theo tổ hợp lựa chọn: Toán-Lý -Hóa; Toán-Hóa-Sinh; Toán-Văn-Anh.
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tài năng và đăng tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy theo hình thức online tại địa chỉ http://ts.hust.edu.vn. Riêng hình thức tuyển sình theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, thí sinh đăng ký theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.
Các bài viết phổ biến
- Học sinh mầm non đến THCS, THPT nghỉ đến 15/3 (trừ cuối cấp)
- Hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học năm 2020
- Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh gửi hoả tốc cho học sinh nghỉ ngay trong đ...
- 5 tuyệt chiêu viết mở bài áp dụng cho mọi câu nghị luận văn học lớp 11, 12
- Các tỉnh thành thông báo cho học sinh bắt đầu đi học lại từ ngày 20/4
- HS trở lại trường ngày 2/3: Đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và học sin...